Sunday, August 19, 2007

Chuyện Cái Nanh Heo

Nanh heo rừng ở Vanuatu – một hòn đảo nằm phía nam Thái Bình Dương – được xem như một báu vật, một tài sản quý của tầng lớp quý tộc, giới thượng lưu trong làng mạc và ngay cả trong xã hội hiện đại. Nó có thể sử dụng như một thứ “kim bản vị” để trao đổi lương thực, dựng vợ gả chồng, kể cả chuyện thể hiện quyền lực của người bản địa gốc Melanesia trên đảo quốc Vanuatu từ rất lâu đời. Có thể nhận ra điều đó ngay trên Quốc kỳ của nước cộng hoà Vanuatu với chiếc nanh heo xoay vòng làm biểu tượng chính

Heo mới là quan trọng

Một cặp nanh quý hiếm của Vanuatu với gần 2 vòng xoắn

Vào các làng mạc của người Melanesia bản địa ở Vanuatu, một cộng đồng có lối sinh sống theo kiểu “ăn củ - ngủ đất”; những mái nhà đâu cũng giống nhau được lợp từ lá và cây rừng. Nhìn vẻ ngoài của từng ngôi nhà mái tranh ấy, không cách gì phân biệt được sự giàu nghèo của họ ở trong làng. Chỉ một điểm dễ nhận ra nhất đó là bầy heo thả rông quanh nhà. Giống heo ở đây tựa như heo rừng ở ta. Nhà nào càng có nhiều heo, địa vị của gia đình ấy trong làng càng được coi trọng.

Mỗi bé trai khi sinh ra, vật gia bảo được ba mẹ dành tặng sẽ là heo, nuôi dần cho đến khi lớn làm lễ vật lấy vợ. Vì trong lễ vật đi hỏi vợ không thể thiếu: chiếu, rượu Kava, khoai môn và heo – trong đó heo là vật giá trị và quan trọng nhất quyết định chuyện hỏi vợ thành công hay không. Một cô gái lấy chồng, bù lại bên nhà gái sẽ nhận được từ 2 – 4 con heo tuỳ cô gái đó… đẹp hay xấu. và chuyện quyết định số lượng heo bao nhiêu con trong lễ hỏi do nhà gái quyết định. Tất nhiên, nhà trai nếu không đủ số heo theo yêu cầu cũng có thể thương lượng.

Ở ngôi làng cách trung tâm đảo Tana 45 phút đường rừng, cuộc sống nơi đây vẫn còn nguyên sơ như những cư dân Melanesia cách đây hàng thế kỷ. Phụ nữ vẫn để ngực trần, mặc váy rơm, đàn ông quấn khố bằng lá rừng. Các căn nhà lá đều trống tuềnh toàng với độc mỗi bếp lửa. Già làng 45 tuổi có 8 cô con gái nhỏ nói: “Con gái lớn năm nay 14 tuổi, sang năm gả chồng, tôi sẽ được 4 con heo…”. Nỗi vui mừng của ông dễ lý giải bởi nếu cả 8 cô lần lượt được gả đi, bầy heo nhà ông sẽ đông nhất làng, đồng nghĩa với khái niệm ông là một gia đình giàu có.

Nuôi heo 20 năm mới cho nanh

Nanh heo trên quốc kỳ Vanuatu

Người phụ nữ theo chồng, đổi lấy vài con heo, nhưng khi về đến nhà chồng họ vừa phải lao động, sinh con đẻ cái, vừa nhận nhiệm vụ quan trọng nhất trong gia đình là nuôi heo. Những con heo được chăm sóc đặc biệt trong bầy của nhà không phải để làm thịt mà để lấy cặp nanh. Một nanh heo đẹp, giá trị, phải đánh đổi khoảng thời gian trên 20 năm mới có. Nanh càng đẹp, giá trị của nó càng cao, có thể đổi lấy lương thực, nhà cửa, ruộng vườn, làm vật tô điểm cho quyền uy của người đàn ông.

Con heo sinh ra, khi mọc răng sẽ bị nhổ đi hai răng nanh hàm trên, cặp nanh hàm dưới mọc dần ra sẽ tự uốn cong lại. Khi nanh đã trổ khỏi hàm, con heo đó sẽ bị nhốt lại trong một chuồng nhỏ phạm vi chừng 2m2. Lỗ mũi được xỏ dây cột treo mõm lên sao cho không chạm đất, hạn chế tối đa va chạm nanh heo với các vật bên ngoài, cốt giữ cho nanh heo nguyên vẹn, không trầy xước. Đến khi độ cong của nanh nối lại thành một vòng tròn, càng nuôi lâu vòng tròn này càng xoáy vòng lại với nhau rất đẹp. Nhưng để một chiếc nanh từ nhỏ đến khi nối vòng mất từ 20 năm trở lên. Trong suốt 20 năm ấy, người nuôi phải tốn bao công sức, thức ăn cho heo. Ở các làng, thông thường già làng là người có con heo với cặp nanh đẹp nhất. Và mọi người thường ví von người vợ khi ấy không được già làng để tâm cho bằng cặp nanh heo. Người vợ phải cho heo ăn trước rồi mới được ăn, đi rẫy hay đi xa về, việc làm đầu tiên khi vào nhà là ra thăm xem con heo còn hay mất, cặp nanh có còn nguyên vẹn…

Tuy nhiên, với điều kiện sống vệ sinh không đảm bảo, rất ít những con heo sống thọ để cho ra những cặp nanh ưng ý. Vì vậy, những cặp nanh vòng tròn nối liền lại với nhau có giá trị càng cao. Heo vừa là của cải, nanh heo là vật giá trị tựa như một loại tiền nên phải coi sóc kỹ, không để bị lấy cắp. Loại heo già này làm thịt cũng khó nhai, nếu mất nanh coi như hết giá trị.

Biểu tượng của quốc kỳ

Một ngôi làng của người bản địa trên đảo Tana - Vanuatu

Trước 1980, tại các bộ lạc trong làng, nanh heo được người Melanesia dùng dây rừng kết lại thành từng cặp đeo trước ngực trong những dịp lễ hội quan trọng của làng. Kể từ 31.7.1980, nước Cộng hoà Vanuatu được thành lập, và nanh heo được chọn làm biểu tượng đưa lên lá cờ tổ quốc. Vẻ đẹp của đường cong trên nanh heo đã trở thành một niềm kiêu hãnh của những ai sở hữu trong tay những cặp nanh có vòng tròn nối kết tương tự. Việc nuôi heo lấy nanh ngày càng phát triển ở các làng, nhiều người cũng đi vào con đường sưu tập các bộ nanh có giá trị.

Trong quá trình đi tìm câu chuyện về nanh heo, thật may mắn gặp được một nhà sưu tập nanh heo lớn nhất hiện nay ở Vanuatu, một người Việt – ông Đinh Văn Thân người có hơn 20 năm sưu tầm trên khắp 83 hòn đảo của Vanuatu với bộ sưu tập đồ sộ gồm 500 cặp nanh heo còn dính nguyên trong xương hàm. Bộ sưu tập này trước đây được trưng bày riêng trong một ngôi nhà truyền thống của người Melanesia. Sau đó, vì không người lui tới thường xuyên nên bộ sưu tập bị mất cắp khá nhiều. Nhưng hiện nay ông vẫn còn nhiều bộ nanh đẹp, đủ mọi kích cỡ khác nhau.

Bộ sưu tập nanh heo của ông Thân hiện có một cặp được xem như bảo vật với hai vòng xoáy. Ông Thân cho biết: “Cặp nanh này cả Vanuatu chỉ 3 người có; con heo nuôi cho ra cặp nanh này có tuổi gần 40 năm. Nhiều người giàu đến hỏi mua nó với giá cao nhưng tôi không thể bán được. hiện nay ở các làng, nanh heo vẫn là một vật quý giá của làng, giá trị trên cả lương thực…”

Tại các điểm bán mặt hàng lưu niệm ở trung tâm Vanuatu, cũng có bày bán các loại nanh heo với giá bình quân từ 300 – 500 USD cho mỗi chiếc có vòng xoắn đều, đẹp. Nhưng không phải người Vanuatu nào dù ham muốn đến mấy cũng khó sở hữu được, bởi mức thu nhập của một lao động tại Vanuatu trung bình được 200 USD/tháng.

No comments: